NGUYÊN NHÂN GÂY MẤT RĂNG
Đầu tiên bạn cần phải biết những nguyên nhân nào có thể khiến bạn phải “từ giã” một hoặc một vài chiếc răng:
- Do các bệnh lý răng miệng không thể điều trị bằng phương pháp phục hồi như: sâu răng lớn không thể phục hồi thân răng, các bệnh lý về nha chu làm tiêu xương dẫn đến răng bạn lung lay quá mức…
- Răng bị cắn vỡ khi ăn nhai, không thể phục hồi.
- Mất răng do tai nạn, chấn thương ngoài ý muốn.
- Thiếu mất một hoặc một vài răng do yếu tố di truyền, như khi sinh ra đã không có răng tại một hoặc một số vị trí trên cung hàm, cũng có thể là toàn hàm.
Trên đây là những nguyên nhân gây mất răng thường gặp, ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp khác.
NHỮNG THAY ĐỔI DIỄN RA KHI MẤT RĂNG
- Tiêu xương: Răng giúp nâng đỡ xương hàm, nếu mất răng xương sẽ tiêu theo thời gian.
- Di chuyển răng: Răng được lưu giữ trong xương hàm vẫn có thể dịch chuyển theo thời gian, khi có 1 răng mất, các răng bên cạnh sẽ nghiêng vào, răng đổi diện sẽ trồi thêm, tạo hiệu ứng domino ảnh hưởng lên toàn bộ khớp cắn, tăng khả năng lưu giữ mảng bám dễ sâu răng và mắc bệnh nha chu dẫn đến mất thêm răng.
- Rối loạn khớp cắn: Mất một hoặc nhiều răng có thể gây ra những bất thường về khớp cắn, ảnh hưởng đến sức khỏe của các răng còn lại, cơ và khớp thái dương hàm. Thay đổi khớp cắn không đúng có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác như: chấn thương khớp cắn một vài răng gây đau, vỡ răng; mòn răng gây ê buốt; đau cơ - khớp thái dương hàm.
- Khó nhai: Giảm sức nhai do mất răng (ngoại trừ răng khôn), răng dùng để xé và nhai thức ăn, giảm áp lực làm việc cho dạ dày nên mất răng cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa phía sau và dinh dưỡng của bạn.
- Thẩm mỹ khuôn mặt: Răng của bạn giúp hỗ trợ hình dạng và cấu trúc khuôn mặt của bạn nên mất nhiều răng lâu ngày có thê có thể khiến mặt không được nâng đỡ, cảm giác già đi.
- Phát âm: Răng của bạn đóng một vai trò trong lời nói. Mất răng (hoặc thậm chí có khoảng cách lớn giữa các răng) có thể gây khó khăn cho việc phát âm một số từ.
LỰA CHỌN THAY THẾ RĂNG MẤT
Mất răng có thể ảnh hưởng ăn nhai, gây tiêu xương và ảnh hưởng kéo theo những răng khác, đồng thời có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu không được điều trị sớm. Hiện nay, may mắn là chúng ta có nhiều phương pháp phục hồi lại nhưng răng mất này, chẳng hạn như: cấy ghép nha khoa (Implant), cầu răng sứ, răng giả tháo lắp. Tùy vào tình trạng răng miệng, nhu cầu và khả năng tài chính mà bạn có thể chọn cho mình một hình thức thay thế răng mất phù hợp sớm nhất để hạn chế tối đa tác hại của việc mất răng mang lại.
KHOA RĂNG HÀM MẶT