Năm 2022 có 630.000 người chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,3 triệu người mới nhiễm HIV, khoảng 39,0 triệu người đang sống chung với HIV. Hiện tại, HIV chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, với khả năng tiếp cận các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV hiệu quả, nhiễm HIV đã trở thành một bệnh mãn tính có thể kiểm soát được, giúp những người nhiễm HIV có được cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Thế giới có thể chấm dứt bệnh AIDS với sự dẫn dắt của cộng đồng. Đó là những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV, mạng lưới những người thuộc các nhóm đối tượng đích và các nhà lãnh đạo thanh niên đã và đang tiếp tục đóng vai trò thiết yếu cho sự tiến bộ trong ứng phó với HIV. Do đó, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay là: “Hãy để cộng đồng dẫn đầu”, và hơn cả việc tôn vinh những thành tựu của cộng đồng, đó là lời kêu gọi hành động để tạo điều kiện và hỗ trợ cộng đồng trong vai trò lãnh đạo của họ.
Bên cạnh đó, tháng 12 là tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2023, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Việc lựa chọn chủ đề này nhằm nhắc nhở chúng ta rằng, phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố
Nguồn:
[1] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hiv-aids