Ảnh: Internet
1. Viêm gan là bệnh gì?
Viêm gan (Hepatitis) là tình trạng tổn thương tại gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào bị viêm trong mô gan. Viêm gan cấp tính là khi bệnh chỉ kéo dài dưới 6 tháng, còn khi bệnh kéo dài trên 6 tháng gọi là viêm gan mạn tính. Nếu không được phát hiện, phòng ngừa và điều trị kịp thời, viêm gan có thể chuyển từ cấp tính sang thành mạn tính và tiếp tục tiến triển thành xơ gan, suy gan, ung thư gan, để lại gánh nặng chi phí cho gia đình, ngành y tế và toàn xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Ở nước ta, viêm gan do virus đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
2. Triệu chứng cảnh báo bệnh viêm gan
Viêm gan thường không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh diễn ra âm thầm, nhiều người đã nhiễm virus gây viêm gan nhưng bề ngoài vẫn khỏe mạnh, ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Một số triệu chứng gợi ý viêm gan:
- Vàng mắt, vàng da
- Bụng căng chướng do tích tụ dịch trong bụng
- Suốt vừa hoặc sốt nhẹ
- Đau vùng hạ sườn phải
- Nước tiểu sẫm màu
- Mẩn ngứa
- Mệt mỏi kéo dài.
Dấu sao mạch trên da: Dấu sao mạch giống như một mạng lưới các tiểu động mạch nhỏ hiện dưới sát bề mặt da. Nếu dấu sao xuất hiện ở nửa trên của ngực, tay, cổ và mặt, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
3. Nguyên nhân của bệnh viêm gan?
- Do nhiễm virus: Cho tới nay ít nhất đã có 6 loại virus viêm gan (Hepatitis virus) được ghi nhận và ký hiệu là: HAV - virus viêm gan A; HBV - virus viêm gan B; HCV- virus viêm gan C; HDV - virus viêm gan D (còn gọi virus delta); HEV - virus viêm gan E và HGV - virus viêm gan G. Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E được truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại được truyền qua đường máu. Tất cả các siêu vi này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mãn tính và đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hiện nay, mới chỉ có vaccine ngừa virus viêm gan A và viêm gan B.
- Do độc chất (rượu bia hoặc thuốc) Viêm gan do thuốc xảy ra do thói quen lạm dụng thuốc dẫn đến quá liều, tự ý kéo dài lộ trình dẫn đến quá liều, thói quen tự dùng thuốc.
- Ngoài ra, viêm gan có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan (viêm gan tự miễn). Tuy nhiên, viêm gan tự miễn rất hiếm gặp.
4. Điều trị bệnh viêm gan như nào?
Tùy từng loại viêm gan mà có phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần kết hợp việc thay đổi chế độ ăn ống, sinh hoạt thích hợp và dùng thuốc điều trị: Chế độ ăn giàu đạm, đường, vitamin; giảm mỡ động vật đặc biệt là các món xào, rán. Tăng cường ăn hoa quả tươi, sữa chua. kiêng rượu, bia và hạn chế sử dụng các thuốc, hóa chất gây độc cho gan. sử dụng các thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn như thuốc có tác dụng giải độc, bảo vệ tế bào gan, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận mật (sử dụng khi có vàng da), thuốc làm tăng sức đề kháng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, thuốc ức chế virus…
5. Mỗi chúng ta hãy chủ động bảo vệ mình trước viêm gan virus bằng cách
Đối với bệnh viêm gan vi rút B, C và D: không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm và các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo,v.v với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Đối với bệnh viêm gan vi rút A và E: thực hiện ăn chín uống chín, không ăn thực phẩm sống. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch.
Hiện nay bệnh viêm gan A và B đã có vắc xin phòng ngừa. Hãy chủ động tiêm vắc xin theo khuyến cáo của ngành Y tế để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm gan.
Tài liệu tham khảo
Bệnh viêm gan virus – Cục Y Tế dự phòng