Cấu tạo xương sườn
Một người bình thường có 12 cặp xương sườn (gồm 24 xương). Các xương sườn liên kết với nhau tại vị trí xương ức phía trước và cột sống phía sau, tạo thành một khung xương vừa linh động vừa vững chắc. Khung xương sườn có nhiệm vụ bảo vệ tim, phổi, mạch máu lớn… và hỗ trợ quá trình hô hấp, nhất là khi gắng sức (cần thở nhanh, mạnh do nhu cầu oxy tăng cao).
Gãy xương sườn là gì?
Gãy xương sườn là tình trạng xương sườn bị nứt, gãy lìa kèm di lệch nhiều hay ít, có thể gãy một hoặc nhiều xương sườn. Người bệnh bị gãy xương sườn có thể do chấn thương hoặc mắc bệnh nào đó gây gãy xương (u xương, loãng xương, viêm xương tủy xương…).
Khi xương sườn bị gãy có thể kèm theo các tổn thương ở tim, phổi, gan, mạch máu lớn, lách, thần kinh cơ… Đặc biệt, với phần đầu xương hay mảnh xương sườn bị gãy có thể đâm thủng hoặc rách các cơ quan nội tạng hay mạch máu. Khi gãy xương sườn, khung xương kém vững chắc, khung xương hạn chế di động cũng dẫn đến biến chứng về phổi như xẹp phổi, viêm phổi.
Các mức độ gãy xương sườn
- Gãy hoàn toàn hay gãy không hoàn toàn: xương bị mất tính liên tục hay chỉ nứt xương.
- Gãy xương kín và gãy xương hở: nếu không tạo ra vết thương hở trên da là gãy xương kín.
- Gãy xương di lệch và không di lệch: các đầu xương gãy lệch hay không lệch nhau.
Đặc điểm đường gãy: gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn, gãy cắm gân…
Nguyên nhân gãy xương sườn
Xương sườn bị gãy do nhiều nguyên nhân, có thể phân thành hai nhóm do chấn thương hoặc không chấn thương:
- Gãy xương sườn do chấn thương: phổ biến nhất, có thể do té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao…
- Gãy xương do áp lực: đoạn xương sườn bị gãy do chịu một lực mạnh diễn ra liên tục trong suốt thời gian dài, khiến nó yếu hơn phần xương còn lại. Tình huống này thường gặp ở vận động viên thể thao tập một kỹ thuật nào đó lặp đi lặp lại.
- Gãy xương do bệnh: loãng xương, u di căn xương, loạn sản xơ xương, viêm xương tủy xương… khiến xương tự gãy dù không chấn thương.
Dấu hiệu gãy xương sườn
Thường đau tại vị trí gãy, cơn đau kéo dài, đau nhiều hơn khi hít thở sâu, ho, hắt hơi, cúi gập người, nằm nghiêng, đau nhiều hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm, khó thở, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,...
Chẩn đoán gãy xương sườn
Ngoài việc thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân, tình trạng bệnh dẫn đến gãy xương thì bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để thấy được vị trí gãy xương và tầm soát các cơ quan xung quanh.
- Chụp X-quang: đơn giản, dễ thực hiện, có thể phát hiện sớm các tổn thương do gãy xương gây ra như viêm xẹp phổi, tràn khí, hay dịch màng phổi. Tuy nhiên, chụp X-quang đôi khi khó phát hiện hình ảnh xương nứt, rạn hay không di lệch nhiều.
- Siêu âm thành ngực và màng phổi: thấy vị trí gãy kín đáo của cung bên xương sườn mà X-quang có thể bỏ lỡ. Ngoài ra, siêu âm còn có giá trị cao để phát hiện dịch/máu ở màng phổi, màng tim, dịch ổ bụng hay tràn khí màng phổi.
- Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): hỗ trợ cho bác sĩ nếu chụp X-quang và siêu âm bỏ sót vị trí gãy xương kín đáo và phát hiện thêm các tổn thương ở những bộ phận khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): ít sử dụng trong chẩn đoán gãy xương nhưng đôi khi sử dụng để tìm những thương tổn rất nhỏ của xương, phát hiện di căn xương hoặc mô mềm có thể bỏ qua.
- Chụp xạ hình xương: dành cho người bệnh gãy xương do chấn thương lặp đi lặp lại như ho kéo dài, gãy xương do áp lực…
Điều trị gãy xương, gãy xương bao lâu thì lành?
Điều trị bằng thuốc
Thông thường, xương sườn bị gãy sẽ tự phục hồi sau 1 - 6 tháng. Nếu gãy xương sườn đơn thuần không để lại biến chứng, người bệnh được điều trị thuốc giảm đau, vi chất bổ trợ quá trình lành vết thương.
Ngoài uống thuốc đúng chỉ định bác sĩ, người bệnh tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập hít thở sâu để tránh biến chứng phổi, vận động nhẹ nhàng. Nếu trong quá trình chờ lành xương, người bệnh đến ngay bệnh viện nếu có triệu chứng lơ mơ, tụt huyết áp, suy hô hấp, đau ngực dữ dội tăng dần...
Phẫu thuật
Chủ yếu cho người bệnh gãy xương sườn ở mức độ di lệch xương, cảm giác đau, biến chứng cơ quan bên trong. Bác sĩ phẫu thuật nẹp lại toàn bộ ổ gãy bằng vít, sắp xếp lại đúng vị trí xương bị gãy. Sau đó, người bệnh được điều trị bằng thuốc giảm đau, tập vận động hô hấp, thay đổi thói quen sinh hoạt
Bị gãy xương sườn nên ăn gì cho mau lành?
Một người trưởng thành cần khoảng 2.500 Calo mỗi ngày để hoạt động nhưng với người bệnh sau gãy xương cần tăng gấp 3.
Người bệnh cần bổ sung các dưỡng chất như: Vitamin: Vitamin B, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin K là chất xúc tác quan trọng cho nhiều phản ứng sinh hóa liên quan đến quá trình phục hồi xương.
Khoáng chất: canxi, magie, silic, kẽm,... chiếm 70% trọng lượng xương, vì vậy chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình liền xương.
Canxi: quá trình lành xương diễn ra theo 3 giai đoạn chính gồm: viêm, phục hồi và tái tạo. Lúc này, cơ thể sẽ lấy canxi từ nguồn dự trữ trong xương sẵn có cũng như chế độ ăn uống hàng ngày để phục vụ cho mục đích sửa chữa, tái tạo. Đây chính là lý do tại sao người bệnh cần bổ sung đầy đủ canxi vào thực đơn hàng ngày. Canxi có trong sữa, phô mai, sữa chua…
Magie: thiếu magie, lượng canxi trong mô mềm sẽ bị giảm sút, dẫn đến hiện tượng loãng xương. Do đó, việc bổ sung magie vào thực đơn hàng thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Thực phẩm giàu magie có trong chuối, trái bơ, rau lá xanh, cá thu, cá bơn, socola đen, đậu hũ, các loại hạt…
Kẽm: có tác dụng hỗ trợ hình thành mô sẹo, tăng cường sản xuất protein cho xương và kích thích quá trình chữa lành vết gãy. Một số thực phẩm giúp cơ thể bổ sung kẽm có trong trứng, hàu, hến, sò, cua… Silic: đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tổng hợp collagen, giúp hồi phục vết thương và cải thiện sức khỏe xương khớp.
Silic có trong yến mạch, hạt mè, dứa, củ cải đường, bông cải xanh,... Vitamin D: giúp chữa lành và phục hồi chấn thương xương bị ức chế. Vitamin D có thể được hấp thụ từ ánh nắng mặt trời mỗi ngày và từ nước cam, nước ép đu đủ, lòng đỏ trứng… Vitamin B6 và B12: quan trọng đối với quá trình chữa lành vết thương, tạo xương, duy trì độ dẻo dai và giúp xương luôn chắc khỏe, có trong thịt gà, cá ngừ, chuối, cà rốt…
Vitamin K: đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng cường sức mạnh của xương, mật độ khoáng xương và có lợi cho quá trình phục hồi vết gãy. Vitamin K có ở bắp cải, rau chân vịt, củ dền, súp lơ trắng,...
Gãy xương sườn nên kiêng gì?
Đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ: cản trở trực tiếp đến tốc độ chữa lành và khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Đồ ngọt: thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, trà sữa, nước ngọt,... làm chậm quá trình liền xương đồng thời thúc đẩy nguy cơ thoái hóa xương khớp. Ngoài ra, thói quen ăn đồ ngọt còn có thể gây ra hiện tượng thừa cân, béo phì. Từ đó, xương và một số bộ phận khác trong cơ thể buộc phải chịu áp lực lớn, khiến tình trạng vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Thức ăn mặn, nhiều muối: làm tốc độ thải canxi ra khỏi cơ thể sẽ tăng cao khiến xương dần trở nên suy yếu, giảm khả năng hình thành tế bào mới và kéo dài thời gian hồi phục vết thương.
Trà đậm đặc: có thể làm chậm thời gian chữa lành vết gãy và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển xương khớp.
Rượu bia: làm giảm khả năng hấp thụ và vận chuyển canxi vào xương, cản trở quá trình hình thành tế bào mới. Ngoài ra, những chất kích thích này còn có khả năng gây mất cân bằng điện giải, mất nước, ảnh hưởng tổng trạng toàn cơ thể chứ không chỉ vị trí gãy xương.
Chất caffein: uống nhiều cà phê, trà chứa cafein làm chậm quá trình hồi phục vết xương gãy do lượng canxi cũng bị thải ra nhiều hơn. Do đó, đây là nhóm đồ uống người bệnh nên kiêng tiêu thụ để đảm bảo quá trình chữa lành vết thương gãy được diễn ra thuận lợi.
Bị gãy xương sườn làm gì cho mau lành?
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, kết hợp với vận động nhẹ và các bài tập hít thở.
- Bỏ thuốc lá.
- Uống thuốc và tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ.
- Có thể chườm đá theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau.
- Khi ho hoặc hắt hơi nên ôm một cái gối trước ngực để giảm đau.
- Báo với bác sĩ về tình trạng ho thường xuyên để có thể điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Khi ngồi trên ô tô, người bệnh nên dùng gối để lót giữa ngực và dây an toàn.
- Khi ngủ, không nên nằm nghiêng về bên tổn thương.
- Di chuyển, đi lại nhẹ nhàng và tăng dần mức độ vận động nhưng ở mức vừa phải.
- Thăm khám và theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.