BẢN TIN BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Tới 18h00 ngày 14/4/2020)
I. THÔNG TIN TỔNG HỢP DIỄN BIẾN DỊCH Ở VIỆT NAM:
- Tổng số ca mắc: 266 trường hợp, trong đó:
- 160 người từ nước ngoài chiếm 60,2%;
- 106 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,8%.
- Số ca mắc mớitính đến 18h00ngày14/4: 01 ca (266)
CA BỆNH 266 (BN266): Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội. Ngày 08-10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng. Từ ngày 30/3 bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/4. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
- Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 68.968, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 601;
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.455;
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 54.912.
- Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, cụ thể như sau:
- 17 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN24, BN50, BN87, BN109, BN114, BN115, BN175, BN177, BN186, BN189, BN190, BN199, BN208, BN214, BN220, BN232, BN239.
- 05 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi: BN92, BN124, BN127, BN143, BN235.
- 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh: BN146.
- 97 ca bệnh đang được điều trị tại 14 bệnh viện.
- Tình hình điều trị các ca bệnh nặng:
- 03 ca nặng nguy kịch đang thở máy, lọc máu là:
o BN19, BN161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (BN19 đã có tiến triển, dừng được vận mạch, Glassgow 14 điểm);
o BN91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu-Hội chứng HIT.
- 05 ca thở ô xy.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 08 ca.
II. THÔNG TIN BAN CHỈ ĐẠO:
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁCH LY XÃ HỘI SAU NGÀY 15/4
Sáng 14/4, nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT chủ trì đã rà lại các kết quả nghiên cứu của Nhóm để giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ đầu tháng 3/2020, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, Nhóm đã bắt tay xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng “cách ly xã hội” như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. Đặc biệt, Nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15/4.
Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí… Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng.
Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương, đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; và năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm. Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, đơn cử như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị các địa phương cần sớm phân công đầu mối (cán bộ thuộc Sở Y tế) để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn, Nhóm sẽ thực hiện kết nối, hướng dẫn, tập huấn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Khi dữ liệu được cập nhật các tỉnh thành phố có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và ngày càng nhỏ để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.
Trước đó, sáng 13/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh còn dài nên “cách ly xã hội” sau ngày 15/4 cần tính đến yếu tố địa bàn, nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề với tinh thần không được chủ quan, lơi lỏng đồng thời vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Bann Chỉ đạo quốc gia chiều 13/4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia hoàn thiện các phương án cụ thể về thực hiện “cách ly xã hội” để báo cáo Thủ tướng quyết định trong ngày 15/4.
(Theo Chinhphu.vn)
HẾT BẢN TIN