Đường dây nóng Bệnh Viện: 0932711722 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Ngành Y tế Thành phố và tác động chính sách giúp cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu trên địa bàn Thành phố

Thứ tư, 16/08/2023, 14:13:44 Lượt xem: 463

Sở Y tế TPHCM gửi quà lưu niệm đến Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (14/8/2023)

Sáng ngày 14/8/2023, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả ban đầu của Chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở" (WHO-PEN) dưới sự chủ trì của PGS TS BS Tăng Chí Thượng với sự tham dự của Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ban đầu và quản lý bệnh không lây. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Viện Y tế công cộng, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố, lãnh đạo Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Tâm thần, đại diện của 10 trung tâm y tế và một số trạm y tế tham gia Chương trình thí điểm.

Điều đáng ghi nhận qua ý kiến phát biểu của bác sĩ trưởng trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú đó là tham gia Chương trình “Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở" đã giúp cho nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở cập nhật những kiến thức mới, quan trọng trong hoạt động chăm sóc người bệnh mắc các bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Không chỉ dừng lại việc cập nhật kiến thức, Chương trình còn cung cấp cơ sở khoa học giúp cải thiện danh mục thuốc cho trạm y tế đối với 2 loại bệnh phổ biến này được đầy đủ hơn đáp ứng mong đợi của người dân khi đến khám bệnh tại trạm, nhờ vậy số lượt khám chữa bệnh ban đầu tại trạm đã tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo các Trung tâm y tế quận, huyện đề xuất để việc nhập dữ liệu người bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp vào phần mềm quản lý của WHO được thuận lợi hơn, việc kết nối giữa các phần mềm hiện hữu của trạm y tế với phần mềm quản lý bệnh của WHO cần sớm được cải tiến cho thuận lợi hơn công việc của nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các Trung tâm y tế đề xuất những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách khám, chữa bệnh tại trạm y tế cần sớm được điều chỉnh để người dân được thuận lợi hơn khi đến với trạm y tế. Cụ thể như, theo quy định của Luật BHYT, người dân tham gia BHYT đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến cuối của Thành phố (như BV Nhân Dân Gia Định, BV Nguyễn Trãi,…) thì không được BHXH giải quyết chi trả nếu đến trạm y tế phường để khám, chữa bệnh. Việc để Trung tâm y tế tự đấu thầu thuốc thì không thể có đủ thuốc cho các trạm y tế triển khai công tác khám, chữa bệnh ban đầu, nhất là các bệnh mạn tính không lây, điều này lại càng khó “giữ chân” được người bệnh. Điều đáng nói chính là Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với UBNDTP và Bộ Y tế cho phép Sở triển khai đấu thầu tập trung cấp địa phương mở rộng hướng về y tế cơ sở, sau nhiều tháng qua vẫn chưa được phép thực hiện.

Một thực tế khác ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh ban đầu, theo ý kiến của chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật triển khai Chương trình, kiến nghị BHXH vẫn xem xét thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khi một bác sĩ đa khoa công tác tại y tế cơ sở được phép khám và chỉ định thuốc cho người bệnh đái tháo đường và thuốc thuộc nhóm tâm thần khi có chỉ định. Trong Chương trình, tất cả các bác sĩ đều được tập huấn kỹ về khám và phát hiện sớm dấu hiệu tâm thần của người mắc bệnh đái tháo đường và hướng dẫn chỉ định các thuốc thuộc nhóm tâm thần. Việc phải giới thiệu người bệnh đái tháo đường đến phòng khám chuyên khoa Tâm thần để có thuốc là không thực tế và nhất là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc nếu người bệnh bỏ cuộc.

Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả ban đầu của Chương trình "Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở" (WHO-PEN) thật sự cần thiết để Sở Y tế nắm bắt những tồn tại liên quan đến trách nhiệm của Ngành Y tế Thành phố, đồng thời nhận diện những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cần tiếp tục kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp, tất cả hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng chăm sóc, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và phù hợp với điều kiện làm việc hiện nay tại tuyến y tế cơ sở.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam hoàn toàn đồng ý với nhận định của PGS TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình và sẽ khuyến nghị UBNDTP và Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn của y tế cơ sở, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng chăm sóc và quản lý nhóm bệnh không lây vốn là gánh nặng lớn nhất về bệnh tật và tử vong trong dân số trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo: SỞ Y TẾ TP.HCM