Đường dây nóng Bệnh Viện: 0932711722 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Tay chân miệng: phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thứ tư, 17/07/2019, 11:22:45 Lượt xem: 2544

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra. Các virus này sống trong đường tiêu hóa và lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Bệnh diễn ra quanh năm, đặc biệt bùng phát dịch vào khoảng tháng 4 - 6 và tháng 8 - 10. Các đường lây truyền bệnh chủ yếu như sau:

- Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi.

- Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sẽ chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng, dịch tiết từ nốt phồng bị vỡ của trẻ bệnh.

- Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ < 3 tuổi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống lại các virus gây bệnh. Nhưng trên thực tế, những trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh này và thể hiện ở dạng người lành mang trùng.

Một số yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn:

- Vệ sinh cá nhân kém tạo ra nhiều cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.

- Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người nơi công cộng sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh, do tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan.

Một số dấu hiệu nhận biết bệnh:

  • Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
  • Sang thương ở miệng: bóng nước có đường kính 2 - 3mm, hoặc vết loét đỏ ở vòm họn, niêm mạc miệng, má, nướu, lưỡi, trẻ rất đau khi ăn, tăng tiết nước bọt… dễ nhầm nhiễm virus Herpes (chỉ xuất hiện ít sang thường hơn).
  • Ban tay chân miệng: lúc đầu các nốt ban này xuất hiện như một vết nhỏ, mờ, màu đỏ và phẳng. Sau đó, chúng dần trở thành các nốt phồng rộp như những bóng nước trên nền hồng ban, không đau. Chúng xuất hiện ở quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông, ấn không đau. Cần chú ý phân biệt với thủy đậu (bóng nước toàn thân), sốt phát ban, ban do não mô cầu…
  • Một số trẻ có thể bỏ ăn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc…

Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường, gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị cũng như tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Các dấu hiệu bệnh nặng cần đi khám ngay:

  • Sốt cao 39 độ hoặc sốt liên tục 2 ngày.
  • Quấy khóc liên tục, bứt rứt khó ngủ hoặc lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê.
  • Giật mình, hoảng hốt, chới với.
  • Đi đứng loạng choạng hoặc run giật, yếu tay chân.
  • Khó thở, thở nhanh hay thở không đều.
  • Nôn ói nhiều.
  • Da nổi bông.
  • Vã mồ hôi, tay chân lạnh.

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP CHĂM SÓC

Đối với bệnh này, không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào..

  • Cho bé ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, uống nhiều nước hoặc sữa đã được làm mát. Nếu bé khó nuốt, bạn hãy chia nhỏ khẩu phần của bé ra và cho bé ăn từng chút một.
  • Tránh cho trẻ dùng các thức ăn nóng, cứng, mặn, cay hoặc chua nếu miệng bé bị tổn thương. Tránh dùng các loại thìa muỗng cứng, sắc cạnh đút cho trẻ vì sẽ đụng đến các vết loét trong miệng, khiến trẻ đau, sợ hãi, bỏ ăn uống. Đối với trẻ còn bú mẹ thì cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe.
  • Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, giữ cho các vùng da bị tổn thương luôn sạch, thoáng; vệ sinh răng miệng.
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
  • Tái khám mỗi ngày và cách ly trẻ 10 ngày đầu của bệnh.
  • Trẻ và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên và đúng cách.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: cung cấp cho trẻ các thực phẩm giàu kẽm (tăng sự ngon miệng, tăng sức đề kháng, mau lành các vết loét trong miệng, bảo vệ vị giác...) như: sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thịt cừu, thịt heo nạc...; các thực phẩm giàu nước, mát và nhiều vitamin C như: nước ép cam, quýt, cà chua, ổi, bưởi…

 

NHỮNG CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG:

Hiện tai Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp chủ yếu gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi làm vệ sinh cho trẻ; sau khi chăm sóc trẻ; rửa tay khi thấy tay bẩn.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi...
  • Thường xuyên lau/ rửa sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 2%.
  • Luôn cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 ngày đầu của bệnh.

 

Lưu ý: Khi mắc bệnh, cơ thể trẻ sẽ sản sinh kháng thể chống lại bệnh này. Tuy nhiên, tay chân miệng là bệnh do nhiều virus khác nhau gây ra nên bé hoàn toàn có thể bị mắc nhiều lần trong đời.

 

BS. NGUYỄN NGỌC MỸ KIM

KHOA NHI, BỆNH VIỆN QUẬN 11