Bị táo bón là gì?
Bị táo bón là tình trạng người bệnh đi cầu có phân khô cứng, đi cầu rất khó, phải rặn mạnh để tống phân ra ngoài. Chưa kể, mỗi khi đi cầu, người bệnh phải ngồi lâu mới đi được hay nhiều ngày mới đi cầu một lần.
Hiện tượng táo bón chỉ xảy ra vài ngày nhưng nếu bạn bị táo bón lâu ngày không khỏi hoặc thường xuyên bị táo bón có thể đây là biểu hiện cảnh báo có thể đang mắc bệnh khác như bệnh đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể...
Dấu hiệu của bệnh táo bón
- Người bệnh táo bón rơi vào trạng thái bụng căng chướng, hậu môn căng tức, muốn đi đại tiện nhưng rất khó đi được hoặc đi xong không thấy ra hết phân.
- Ở người bình thường, có thể đi đại tiện mỗi ngày nhưng ở người táo bó lại giảm dưới 3 lần trong 1 tuần.
- Ở trường hợp táo bón nặng, sau 5 - 6 ngày thì người bệnh mới đi đại tiện 1 lần.
- Người bệnh mệt, ngủ không ngon, căng thẳng, đau lưng.
Dấu hiệu của bệnh táo bón nặng
Việc khó đại tiện trong thời gian ngắn hoặc chỉ đơn thuần khó đi cầu thì chỉ là dấu hiệu của bệnh táo bón nhẹ, nhưng nếu đại tiện mà trong phân có máu, nứt kẽ hậu môn, bị trĩ, tắc ruột có thể đã là dấu hiệu của bệnh táo bón nặng.
Biến chứng táo bón
- Đi cầu ra máu: khối phân khô cứng có thể cứa vào niêm mạc ống hậu môn gây rách và dẫn đến chảy máu khi đi cầu.
- Nứt kẽ hậu môn: khối phân khô cứng khiến các lớp cơ thắt ống hậu môn bị rách, gây nứt kẽ hậu môn, gây chảy máu và đau khi đi cầu.
- Bệnh trĩ: ổ bụng thường xuyên gắng sức do táo bón kéo dài làm cho các búi trĩ to ra, đi đại tiện thường có máu.
- Tắc ruột: táo bón làm thời gian di chuyển của phân trong ruột chậm hơn, phân tích trữ lâu ngày trong ruột dễ gây ra hiện tượng tắc ruột.
Nguyên nhân táo bón
- Ăn uống thiếu chất xơ, nhất là khi uống nước ép lọc bỏ chất xơ vứt đi, uống không đủ nước… làm phân khô cứng.
- Mỗi người trung bình nên uống 1,5 – 2 lít nước/ngày.
- Uống quá nhiều chất kích thích đường ruột như rượu, bia, caffein như trà, cà phê... làm tăng hấp thụ nước ở ruột, khiến phân khô cứng.
- Ăn nhiều thức ăn nhanh, giàu mỡ động vật… gây khó khăn cho đường tiêu hóa.
- Ít tập thể dục, mỗi ngày nên dành ra ít nhất 30 phút để vận động.
- Cuộc sống bận rộn, nhất là giới trẻ thường bỏ qua cảm giác buồn đại tiện hoặc ngại đi nơi xa lạ, mà không phải tại nhà.
- Bạn đang mắc bệnh nào đó cũng có thể dẫn đến táo bón như nứt hậu môn, to trực tràng vô căn, u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, bệnh trĩ, bệnh suy thận, ung thư kết trực tràng,...
Đối tượng dễ bị táo bón
- Người ngồi nhiều, ít tập thể dục, ăn uống không đúng giờ, ăn nhiều đồ cay, nóng, thường uống rượu bia...
- Người già bị suy giảm chức năng đường ruột suy giảm.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh bị thay đổi hormone nội tiết, chế độ ăn uống, sinh hoạt bị đảo lộn.
- Trẻ nhỏ rất dễ bị táo bón.
Khi nào bạn đi gặp bác sĩ?
- Đi cầu thấy đau quặn bụng và hậu môn.
- Đi cầu thấy có chảy máu kèm vết nứt ở hậu môn,...
- Táo bón xen kẽ với tiêu chảy. Sốt, nôn, sụt cân.
- Chảy máu ở trực tràng.
Điều trị táo bón
Ngoài khám ra, bác sĩ có thể cho thực hiện nội soi đại tràng, chụp X-quang hoặc MRI ổ bụng để tìm nguyên nhân. Tùy vào từng giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp.
Táo bón nhẹ bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, thay đổi giờ giấc sinh hoạt.
Táo bón kéo dài, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị làm mềm phân, thực phẩm chức năng tạo chất xơ, thuốc bôi trơn để bơm hậu môn làm giảm các tác động của phân lên niêm mạc ống hậu môn, thuốc kích thích co bóp ruột để đẩy phân ra ngoài, thuốc tăng khả năng thẩm thấu để kích thích nhu động ruột.
Sử dụng thuốc trong thời gian nhất định nhưng bệnh vẫn không cải thiện nhiều, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh đến bệnh viện để thụt tháo.
Phòng ngừa táo bón
- Thay đổi chế độ ăn uống là cách tốt nhất tránh bị táo bón.
- Ăn nhiều rau củ, trái cây tươi vốn nhiều chất xơ giúp phân xốp mà không bị cứng, thúc đẩy đường ruột vận động và hạn chế sự hấp thụ nước từ phân của ruột.
- Uống nhiều nước giúp phân mềm.
- Bổ sung mật ong, bơ, sữa, vừng, hạch đào,... để giúp nhuận tràng.
- Sử dụng dầu thực vật như dầu từ các loại đậu, dầu vừng,...
- Không uống cà phê, bia rượu, hạn chế tỏi, hẹ, ớt,...
- Tập thể dục để cải thiện sức khỏe.
- Tập cho cơ thể thói quen đi vệ sinh mỗi ngày vào giờ cố định.