Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là thủ thuật để bác sĩ đưa một dụng cụ là ống soi mềm vào bên trong đường tiêu hóa. Ống soi mềm này có kích thước nhỏ dưới 1cm có gắn camera và đèn chiếu sáng để thuận lợi cho việc quan sát, kiểm tra thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng có bị tổn thương hay không. Thủ thuật này đã được thực hiện thường xuyên và rất an toàn, đặc biệt hiệu quả chính xác để nhận diện các tổn thương ban đầu cho người bệnh. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong những phần bị hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản…
Bao lâu thì nên nội soi dạ dày 1 lần?
Hầu hết, người bệnh chỉ thực hiện nội soi khi có chỉ định của bác sĩ do tình trạng bệnh của mỗi cá nhân:
- Bạn đau thượng vị, khó nuốt, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, đi ngoài phân đen… và bác sĩ nghi ngờ bạn đang mắc dạng bệnh nào đó ở đường tiêu hóa trên nên cần nội soi bao tử.
- Bạn bị giãn thực quản, cắt bỏ polyp, loại bỏ dị vật… bác sĩ cũng cần nội soi bao tử để lấy mẫu mô để sinh thiết chẩn đoán cho đúng bệnh hoặc điều trị bệnh. Sau điều trị, bác sĩ cần nội soi dạ dày để quan sát tổn thương ở thực quản – dạ dày – tá tràng có lành chưa.
- Bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh đường tiêu hóa như thừa cân, béo phì, nghiện hút thuốc lá, viêm loét dạ dày mạn tính, có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa…n ên cần tầm soát, nội soi sớm phát hiện bệnh.
- Ngoài ra, người bị lủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, tổn thương các cơ quan khác trong ống tiêu hóa, bỏng do uống nhầm axit, người suy tim, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp, có túi phình lớn ở động mạch chủ, túi thừa Zenker; người mới ăn no và một số trường hợp cụ thể khác… vẫn có thể được nội soi dạ dày.
Biến chứng nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày hiếm gây ra biến chứng chảy máu, xây xát niêm mạc, nhiễm trùng, biến chứng tim mạch và hô hấp… Đây là phương pháp an toàn, hầu hết người bệnh đều được chỉ định.
Các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến
Người bệnh có thể được thực hiện nội soi dạ dày qua đường miệng hoặc đường mũi, kết hợp gây mê hoặc không gây mê khi nội soi.
- Nội soi dạ dày qua đường miệng: phương pháp này phổ biến, ứng dụng rộng rãi từ trước tới nay. Bác sĩ đưa ống soi mềm vào miệng người bệnh, dẫn qua vòm họng, xuống thực quản, dạ dày để quan sát, kiểm tra tổn thương. Thủ thuật nội soi dạ dày qua đường miệng có chi phí thấp, dễ thực hiện, độ chính xác cao. Tuy nhiên, do ống soi mềm có đường kính tương đối lớn nên có thể kích thích lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi khiến người bệnh khó chịu, buồn nôn, nôn. Một vài trường hợp có thể đau rát, xây xát ở cổ họng sau nội soi. Do đó, người bệnh khi nghe nội soi dạ dày qua đường có cảm giác sợ, e ngại. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này ít xảy ra nếu bạn hợp tác trong lúc nội soi.
- Nội soi dạ dày qua đường mũi: bác sĩ luồn ống nội soi qua lỗ mũi để xuống thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng để kiểm tra các tổn thương ở đường tiêu hóa. Nội soi dạ dày qua đường mũi thực hiện nhanh chóng, rất dễ và đảm bảo tính chính xác. Với loại ống nội soi dạ dày qua đường mũi có đường kính chỉ khoảng 5,9mm, nhỏ hơn đường kính ống nội soi qua đường miệng nên thuận tiện để khảo sát tổn thương sâu và chi tiết ở những vị trí mà các ống nội soi thông thường không thể tiếp cận. Ống nội soi nhỏ này cũng không chạm đến vùng hầu họng nên ít gây cảm giác buồn nôn, khó chịu cho bệnh nhân. Và hơn hết, người bệnh vẫn nói chuyện, trao đổi được với bác sĩ khi thực hiện nội soi qua đường mũi. Do đó, chi phí nội soi đường mũi cao hơn nội soi đường miệng. Khuyết điểm của nội soi dạ dày qua đường mũi là không thể thực hiện được cho người mắc bệnh các vấn đề vùng mũi, hẹp khe mũi. Và khi bác sĩ tìm thấy các polyp, dị vật hay muốn cầm máu, nong hẹp ống tiêu hóa… lại không thể xử trí được, buộc phải thay thế bằng nội soi đường miệng.
- Nội soi dạ dày gây mê không đau: phương pháp đưa ống soi qua đường miệng có sử dụng thuốc gây mê nhằm chẩn đoán, điều trị các bệnh đường tiêu hóa trên thuận lợi hơn. Người bệnh được gây mê được thực hiện trong khoảng 5 – 15 phút và nhanh chóng tỉnh lại sau nội soi, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Phương pháp này có ưu điểm giúp người bệnh không còn sợ hãi, ám ảnh khi nói đến nội soi dạ dày. Điều này giúp bác sĩ an tâm nội soi, người bệnh không có cảm giác khó chịu, buồn nôn. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí cao hơn và muốn thực hiện phương pháp này phải xét nghiệm và đo điện tiêm đồ trước khi nội soi. Mặt khác, vài bệnh nhân có cảm giác mệt, buồn ngủ do tác dụng phụ của thuốc mê.
- Nội soi dạ dày không đau bằng viên nang: với phương pháp này, người bệnh được nuốt viên nang có chứa một thiết bị camera rất nhỏ. Viên nang sau khi nuốt vào bụng ẽ di chuyển lần lượt xuống thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già. Camera trong viên nang có thể chụp liên tục 3 hình trong 1 giây và truyền qua máy hiển thị để bác sĩ quan sát các tổn thương và chẩn đoán bệnh. Đây là một kỹ thuật vượt trội trong nội soi dạ dày, đảm bảo không đau, không buồn nôn hay khó chịu. Đặc biệt, kỹ thuật này không chỉ an toàn. Người bệnh không dùng ống nội soi nên tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh từ ống nội soi (dù rất ít) như viêm gan B, HIV, vi khuẩn HP… Hoàn hảo là vậy nhưng chi phí để thực hiện nội soi bằng viên nang rất đắt, chỉ được khuyến cáo sử dụng trong nội soi ruột non, do ống nội soi mềm khó đến được. Mặt khác, phương pháp này chưa được phổ biến rộng rãi và nếu phát hiện tổn thương thì không cho phép lấy mẫu mô ra làm xét nghiệm được. Nội soi viên nang cũng không thể áp dụng cho người mắc bệnh động kinh, mắc chứng khó nuốt, tắc ruột, trẻ dưới 10 tuổi, phụ nữ mang thai và một số đối tượng khác.
Hướng dẫn trước khi nội soi dạ dày
Quy trình nội soi dạ dày bao gồm 3 giai đoạn chính là trước, trong và sau nội soi.
- Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày?
Bác sĩ khoa Tiêu hóa khám, hỏi thăm và kiểm tra người bệnh từng mắc bệnh gì, đang sử dụng các loại thuốc nào. Tùy vào tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại xét nghiệm cần thiết trước khi nội soi. Tuy vậy, một số nơi thường bỏ qua xét nghiệm máu là thiếu an toàn, bởi có những bệnh nhân có bệnh nền nặng hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu có thể gây ra những biến chứng nặng nề khi đang nội soi.
Trước khi nội soi, người bệnh cần nhịn ăn 6 – 8 tiếng để sạch dạ dày. Người bệnh cần ngừng sử dụng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến kết quả trong quá trình nội soi.
- Quá trình nội soi dạ dày
Quá trình nội soi thường diễn ra từ 10 – 20 phút, tùy theo tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Bác sĩ hướng dẫn tư thế đúng cho người bệnh khi bắt đầu thực hiện nội soi. Người bệnh được gắn các thiết bị hỗ trợ theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim để đảm bảo an toàn trong suốt thời gian nội soi. Nếu nội soi có gây mê, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ truyền một lượng thuốc mê vừa đủ qua đường tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh. Đến khi bắt đầu nội soi, bác sĩ luồn ống soi đi qua thực quản, xuống dạ dày và tá tràng. Những hình ảnh trong đường tiêu hóa của người bệnh sẽ được camera có trong ống nội soi chuyển tải ra ngoài qua màn hình tivi để bác sĩ nhìn rõ trực tiếp.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô sinh thiết hoặc cắt polyp, cầm máu, lấy dị vật, nong hẹp… để điều trị trực tiếp.
- Sau khi nội soi
Với bệnh nhân nội soi có dùng thuốc gây mê sẽ được đưa ra phòng hồi tỉnh nghỉ ngơi 30 phút trước khi về.
Sau nội soi, người bệnh có thể cảm nhận một số biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó nuốt, chảy máu miệng, đau họng nếu nội soi qua đường miệng, đau mũi nếu nội soi bao tử qua đường mũi. Những triệu chứng này hoàn toàn bình thường và dần biến mất mà không cần thăm khám, điều trị. Bác sĩ trả kết quả nội soi ngay sau đó, tư vấn bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe, kê đơn thuốc và hẹn tái khám (nếu cần).
Các câu hỏi về nội soi bao tử thường gặp
- Nội soi dạ dày có phát hiện ung thư không?
Đây là phương pháp phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm rất hiệu quả. Nếu có các tổn thương nghi ngờ ung thư trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết – lấy một mẫu mô nhỏ đưa đi phân tích để xác định chẩn đoán. Khi bác sĩ xác định ung thư, người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh ung thư đang ở giai đoạn nào.
- Nội soi dạ dày có đau không?
Nội soi dạ dày được tiến hành nhẹ nhàng, không đau nhưng do quá trình luồn ống nội soi qua cổ họng có thể gây cảm giác khó chịu, buồn nôn. Nôn ói nhiều lần trong quá trình nội soi sẽ làm xước, đau họng, đồng thời kéo dài thời gian nội soi. Điều này khiến nhiều người bệnh có tâm lý sợ hãi, ám ảnh mỗi khi cần nội soi dạ dày. Do đó, để không sợ hãi, người bệnh có thể chọn nội soi qua đường mũi hoặc nội soi dạ dày gây mê không đau.
- Nội soi dạ dày gây mê có nguy hiểm không?
Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp an toàn, rất ít tai biến và tránh được cảm giác buồn nôn, khó chịu trong quá trình nội soi, giảm nguy cơ va chạm mạnh gây chảy máu, thủng, rách hoặc nhiễm trùng cơ quan đường tiêu hóa. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị mệt mỏi, buồn ngủ do thuốc gây mê, hiếm khi dị ứng thuốc mê hoặc các phản ứng phụ nghiêm trọng như tụt huyết áp, suy hô hấp, loạn nhịp tim…
- Có thai có nội soi dạ dày được không?
Không, nếu chưa thật sự cần thiết như cấp cứu. Dù phương pháp an toàn nhưng nội soi bao tử vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chưa kể, với thuốc gây mê có thể tăng nguy cơ sinh non, dị dạng, quái thai ở trẻ sơ sinh.
- Khoảng cách giữa 2 lần nội soi dạ dày là bao lâu?
Bạn không nên nội soi dạ dày thường xuyên theo nhu cầu mà cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, người bệnh đuộc chỉ định nội soi khi:
- Người bị viêm dạ dày nhẹ, không phát hiện loạn sản, teo niêm mạc hoặc các tổn thương tiền ác tính khác trong dạ dày và cũng không có tái phát các triệu chứng thì không cần nội soi lại lần 2.
- Người có yếu tố nguy cơ cao ung thư dạ dày như có cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, hút thuốc lá… nên nội soi tầm soát 2 năm 1 lần.
- Người bị viêm dạ dày mạn tính có teo niêm mạc, loạn sản tế bào thường được chỉ định 1 – 2 năm /lần.
- Người bị Barrett thực quản, có loạn sản, thường được nội soi 1 năm/lần để theo dõi diễn tiến của bệnh.
- Người bị tổn thương dạ dày nghiêm trọng, có loạn sản dạ dày mức độ nặng có thể thực hiện 3 – 6 tháng/ lần để theo dõi, kiểm tra tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.