Đường dây nóng Bệnh Viện: 0932711722 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Đau dạ dày (đau bao tử): vị trí, dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Chủ nhật, 21/04/2024, 20:40:23 Lượt xem: 36838

Dạ dày nằm ở đâu?

Dạ dày nằm ở đâu, còn bao tử nằm ở đâu? Bao tử và dạ dày có giống nhau không? Đó là những câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời chính xác 100%. Thực tế, dạ dày chính là bao tử. Dạ dày có dạng hình chữ J, là phần quan trọng của hệ tiêu hóa. Dạ dày nối với ruột non ở phía dưới và nối với lỗ tâm vị nối với thực quản ở phía trên. Vị trí của dạ dày nằm ở giữa bụng, trên rốn, dưới gan và vùng thượng vị, gần với lá lách.

Cấu tạo và chức năng của dạ dày

Dạ dày được hình thành từ 5 lớp và được sắp xếp từ trong ra ngoài gồm: lớp niêm mạc, tấm dưới của lớp niêm mạc, các lớp cơ (cơ chéo, cơ dọc, cơ vòng), tấm dưới thanh mạc và cuối cùng là lớp thanh mạc. Dạ dày có chức năng chính là nghiền nát và phân hủy thức ăn từ miệng đưa xuống một lần nữa. Thức ăn tiếp tục được trộn với dịch vị để quá trình phân hủy diễn ra. Cuối cùng, hỗn hợp này đưa chuyển xuống ruột non để nạp vào quá trình tiêu hấp thụ dinh dưỡng trong cơ thể.

Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là tình trạng bao tử (dạ dày) xuất hiện các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức tại vùng thượng vị do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Đau dạ dày nằm bên nào?

Vị trí đau dạ dày ở đâu? Dạ dày nằm bên trái hay bên phải? Đó là câu hỏi mà nhiều người sẽ phân vân khi thấy cơ thể có dấu hiệu đau. Thực tế, đau dạ dày có khi còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh khác liên quan.

Một số vị trí thường gặp như:

  • Đau dạ dày tại vùng thượng vị: điển hình và phổ biến, cơn đau thường xuất hiện nhiều sau khi ăn, ở vùng trên rốn và phía dưới xương sườn. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ nhiều giờ. Người bệnh có thể ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, nóng rát, sụt cân nhanh chóng. Đôi khi đau dạ dày ở vị trí này còn cảnh báo một số bệnh như viêm tụy, sỏi thận, sỏi túi mật,...
  • Đau tại vùng giữa bụng: cơn đau xảy ra quanh rốn cũng phổ biến nên dễ nhầm lẫn với những cơn đau bụng khác.
  • Đau ở bên trái và bên phải bụng: cơn đau có xu hướng lan ra bên trái - phải của bụng và phần phía sau lưng sau khi xuất hiện tại vùng thượng vị. Người bệnh có thể thấy cơn đau ở 2 cạnh sườn, nóng bụng, xót ruột, nhanh đói. Người bệnh thấy giảm triệu chứng này sau khi được ăn no.

Nguyên nhân đau bao tử

Dưới đây là các nguyên nhân đau dạ dày thường gặp:

  • Nhiễm khuẩn HP ( Helicobacter Pylori): khoảng 80% người bệnh bị đau bao tử có liên quan nhiễm khuẩn HP.
  • Hút thuốc lá: kích thích bài tiết Pepsin và HCl làm bào mòn lớp niêm mạc dạ dày.
  • Uống nhiều rượu/bia: tổn thương lớp niêm mạc dạ dày. Ăn nhiều gia vị, cay nóng, không đúng giờ, thức ăn nhanh trong thời gian dài cũng khiến bao tử xử lý quá tải gây đau.
  • Căng thẳng kéo dài: cuộc sống hiện đại, nhiều người bị stress, căng thẳng khiến bao tử co thắt, kích thích quá trình nhu động ruột khiến tình trạng đau xảy ra.

Dấu hiệu đau dạ dày

Cơn đau có thể xảy ra ngay sau ăn hoặc mới ăn 2-3 tiếng mà đã thấy bụng đói. Một số bệnh nhân xuất hiện cơn đau vào ban đêm. Cơn đau có thể giảm khi được bác sĩ cho uống thuốc tác dụng trung hòa acid hoặc sau ăn.

Ngoài ra còn một số dấu hiệu nhận biết đau bao tử như đầy hơi, khó tiêu, hay ợ chua sau khi ăn 3 - 4 tiếng hoặc vào mỗi buổi sáng, nôn, buồn nôn vào thời điểm đánh răng buổi sáng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.

Nếu bị đau bao tử ở mức độ nặng như loét, có u thì dễ chảy máu, đi phân màu nâu đen.

Điều trị đau dạ dày

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ khám và có thể xét nghiệm, nội soi. Nếu có kết quả chính xác, tùy từng người bệnh mà bác sĩ thường kê đơn kháng sinh, kháng tiết axit, kết hợp thuốc trung hòa acid. Bác sĩ cũng hướng dẫn thay đổi lối sống, cách ăn uống, chỉ ra thực phẩm lành mạnh, món ăn tốt cho dạ dày để đem lại hiệu quả điều trị.

Phòng ngừa đau dạ dày

  • Không bỏ bữa, không ăn quá no để bao tử không bị áp lực xử lý hàng tồn kho.
  • Ăn chậm, nhai kỹ để tăng sự bài tiết của nước bọt, giúp dạ dày giảm bớt hoạt động và trung hòa acid trong dạ dày làm giảm cơn đau.
  • Không ăn thực phẩm lạnh khiến dạ dày co bóp quá nhiều.
  • Không chạy nhảy, tập thể dục,... ngay sau ăn.
  • Không uống bia rượu, đồ ăn dầu mỡ, cay nóng khó tiêu.
  • Tăng cường thực phẩm tốt cho dạ dày: táo, gừng, sữa chua, bánh mì nướng, nước dừa, đậu bắp, cây bạc hà,...

Chữa đau dạ dày tại nhà có thể phối hợp nằm yên nghỉ ngơi, dừng mọi hoạt động đang làm.

Nếu đau khi đói thì không uống gì để dạ dày nghỉ ngơi. Bạn có thể chườm bụng, uống nước gừng ấm, nhai cam thảo,...

Nếu cơn đau kéo dài và dữ dội hãy đến ngay bệnh viện.