Đường dây nóng Bệnh Viện: 0932711722 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Các loại thuốc trị đau đầu phổ biến

Chủ nhật, 06/08/2023, 09:04:33 Lượt xem: 30418

Đau đầu là gì?

Đau đầu diễn ra từ cấp độ nhẹ đến nặng. Có người chỉ đau ở một bên đầu hoặc đau nhức hết cả đầu. Có những trường hợp, đau đầu báo hiệu bạn đang mắc bệnh nguy hiểm cần đưa đi bệnh viện ngay, chứ dùng thuốc không hiệu quả. Dưới đây là các loại thuốc điều trị đau đầu thông thường.

Thuốc đau đầu là gì?

Thuốc đau đầu là các loại thuốc giảm đau để cắt giảm cơn đau đầu hoặc ngừa đau đầu. Thuốc được sử dụng với mục đích:

  • Thuốc giảm đau và các triệu chứng khác thường gặp khi đau đầu.
  • Giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của đau đầu.
  • Thuốc ngăn triệu chứng sau khi bị đau đầu.

Đau đầu uống thuốc gì?

Cơn đau đầu được chia làm 2 nhóm chính:

  • Đau đầu nguyên phát: hơn 90% các cơn đau đầu thuốc nhóm này, không do tổn thương cấu trúc não bộ, bao gồm đau từng cụm, đau do căng cơ, đau nửa đầu Migraine,...
  • Đau đầu thứ phát: chiếm gần 10%, do cụ thể hoặc chấn thương đầu như u não, chấn thương sọ não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, tim mạch, tai mũi họng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính...

Do đó, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn kỹ mới quyết định khi đau đầu uống thuốc gì.

Thuốc đau đầu không kê đơn phổ biến

Nhức đầu uống thuốc gì để cơn đau được thuyên giảm? Đây là câu hỏi mà nhiều người muốn sử dụng điều trị tại nhà với các loại thuốc nhức đầu không kê đơn của bác sĩ. Thuốc nhức đầu hay đau đầu không kê đơn ít tác dụng phụ, có thể tìm mua tại nhà thuốc gần nhà mà không cần bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, nhóm thuốc hay dùng cho cơn đau ở mức độ nhẹ đến vừa.

Acetaminophen (Paracetamol, Panadol): Acetaminophen là một hoạt có trong các thuốc giảm đau phổ biến như Paracetamol, Panadol... Thuốc ở dạng viên con nhộng, viên nén (viên cứng), dạng viên sủi để bỏ vào nước. Sử dụng thuốc với liều lượng 1.000 mg có thể giúp một người bị đau đầu mức độ nặng giảm đau đầu trong vòng 2 giờ. Thuốc ít tác dụng phụ, được xem an toàn.

  • Với người lớn dùng 1-2 viên 500mg và không uống quá 4 lần trong 24 giờ. Mỗi lần uống thuốc cách nhau tối thiểu 4 tiếng.
  • Với trẻ em, thuốc Paracetamol dạng si-rô hoặc dạng viên đạn (đặt hậu môn). Cần lưu ý hàm lượng thuốc cho trẻ em được tính theo tuổi và cân nặng; do vậy cần có bác sĩ hướng dẫn.

Aspirin: Thuốc Aspirin giúp giảm đau, giảm viêm, hạ sốt. Thuốc có dạng viên nén và gói bột hòa tan uống; hiếm gặp dạng viên đạn đặt hậu môn. Với người lớn, dùng 1-2 viên 300mg cách nhau mỗi 4-6 giờ. Trẻ dưới 16 tuổi không uống Aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ. Thuốc có một số tác dụng phụ như: Hội chứng Reye (ở trẻ em), chảy máu đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày, ù tai, giảm thính lực.

Ibuprofen (nhóm NSAID): Ibuprofen có thể làm giảm cơn đau đầu thường xuyên do căng thẳng và giảm các triệu chứng viêm khớp. Thuốc được sản xuất ở dạng viên nén, viên con nhộng, viên sủi, dạng gel bôi ngoài da. Với người lớn, dùng 1 hoặc 2 viên 200mg và uống cách nhau 6 giờ. Với các trường hợp đau đầu dữ dội, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Ibuprofen 800mg. Chỉ nên uống với liều lượng này khi bác sĩ cho phép. Thai phụ và trẻ dưới 3 tháng tuổi không được sử dụng Ibuprofen. Ibuprofen thuộc dòng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và có một số các tác dụng phụ nghiêm trọng như: viêm loét và đau dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, buồn nôn, khó tiêu, tiêu lỏng, mệt mỏi, dị ứng thuốc.

Naproxen (nhóm NSAID): Naproxen thường được điều chế dưới dạng gel, viên con nhộng, viên cứng hoặc viên sủi. Loại thuốc này được biết đến với công dụng giúp giảm nhanh các cơn đau đầu và điều trị tình trạng đau đầu kéo dài. Uống thuốc khi cơn đau xuất hiện và uống cách nhau 8-12 giờ. Bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng theo đơn thuốc phù hợp với từng người bệnh do có tác dụng phụ. Riêng bà bầu, sản phụ đang cho con bú hoặc đang cố gắng thụ thai không sử dụng thuốc.

Thuốc trị đau đầu theo toa

Với cơn đau đầu nghiêm trọng, mạn tính hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc trị đau đầu kê toa đặc biệt tùy mức độ bệnh. Một số thuốc chữa đau đầu kê toa thường được sử dụng để điều trị cơn đau đầu như: Triptans, Etodolac (Lodine), Oxaprozin (Daypro), Indomethacin (Indocin), Nabumetone (Relafen), Diclofenac (Cataflam). Bác sĩ sẽ tính toán liều lượng cụ thể cho từng loại tùy vào nguyên nhân, tần suất đau đầu, thể trạng của người bệnh,... để kê đơn thuốc phù hợp. Ngoài những loại thuốc trên, bệnh viện còn nhiều thuốc giảm đau trị đau đầu khác nhau.

Thuốc phòng ngừa đau đầu

Ngoài thuốc chữa đau đầu, bác sĩ có thể kê thêm thuốc phòng ngừa để ngăn cơn đau tái phát, lặp đi lặp lại. Các loại thuốc phòng ngừa đau đầu thường được kê toa như:

  • Thuốc chống trầm cảm: ngăn chứng đau nửa đầu cho người căng đầu, đau đầu do căng thẳng. Tuy nhiên, vì nhóm thuốc này có thể để lại nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên bác sĩ sẽ cân nhắc để người bệnh tự kiểm soát cơn đau bằng những biện pháp khác rồi mới sử dụng thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc giãn cơ: làm giảm căng cơ và cứng khớp khiến đau đầu.
  • Thuốc chống động kinh: hiệu quả kiểm soát tần suất các cơn đau đầu chuỗi.
  • Thuốc an thần: có thể dùng thêm các loại thuốc an thần để giúp người bệnh căng thẳng cảm thấy dễ chịu hơn.

Tác dụng phụ của thuốc giảm đau đầu

Khi sử dụng thuốc đau đầu quá nhiều, dùng sai liều lượng có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thuốc hoặc lờn thuốc, làm cho cơn đau đầu trở nên khó trị và xảy ra nhiều hơn.

Việc sử dụng thuốc giảm đau hàng ngày hoặc gần như hàng ngày có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận của não. Đây là những bộ phận kiểm soát cảm giác đau và truyền đến hệ thần kinh.

Nếu lạm dụng thuốc trị đau đầu hoặc thuốc giảm đau đầu không kê đơn như aspirin, acetaminophen, ibuprofen,... các bộ phận này sẽ cảnh báo tín hiệu sai khiến đau đầu liên tục không dừng. Khi phụ thuộc vào thuốc, bạn cảm thấy đau và lúc nào cũng sử dụng để giảm đau. Hoặc bạn cũng có thể bị lờn thuốc, dùng thuốc không hiệu quả như trước.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc đau đầu có thể làm giảm tác dụng của thuốc hay biện pháp tránh thai đang dùng.

Và tùy theo sức khỏe cơ thể, người bệnh khi dùng thuốc trị nhức đầu cũng có thể gặp các tác dụng phụ khác như:

  • Ngứa ran
  • Da nổi đỏ, phát ban
  • Tê tay chân
  • Cảm thấy ớn lạnh hoặc người luôn nóng bừng Đau hàm, căng cơ Đau ngực
  • Chóng mặt Mệt mỏi hoặc buồn ngủ
  • Ợ chua, ợ nóng Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc các vấn đề liên quan đến tiêu hóa Khô miệng
  • Đắng miệng
  • Đổ mồ hôi hột liên tục
  • Đau lưng
  • Tâm trạng thay đổi

Trong quá trình sử dụng thuốc đau đầu, thấy có bất cứ điều gì bất thường nên ngừng sử dụng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ.

Lưu ý khi dùng thuốc trị đau đầu

  • Đọc kỹ hướng dẫn để để biết hoạt chất trong thuốc và cách sử.
  • Đảm bảo bạn không dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo.
  • Không lạm dụng thuốc.
  • Nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc đau đầu mà bạn đang có ý định dùng, đặc biệt aspirin, ibuprofen hoặc naproxen natri.
  • Thông báo bác sĩ bạn đang bị bệnh gì đi kèm.
  • Cẩn thận khi dùng thuốc cho trẻ em.
  • Không kết hợp các loại thuốc có chứa cafein, thuốc an thần và chất gây nghiện.

Cách hỗ trợ giảm đau đầu không dùng thuốc

  • Chườm nóng, lạnh luân phiên
  • Mát xa vùng đầu - cổ - vai - gáy
  • Dùng tinh dầu thiên nhiên để giảm căng thẳng
  • Bấm huyệt
  • Uống nhiều nước Sử dụng trà thảo mộc
  • Uống ít cà phê
  • Nằm nghỉ ngơi ở môi trường yên tĩnh, không gian tối Không nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính,... hay thiết bị điện tử
  • Ăn thực phẩm giúp bổ sung magie
  • Ăn chút gừng
  • Bổ sung vitamin nhóm B
  • Tránh các thực phẩm hay vật dụng có mùi
  • Tránh thực phẩm chứa histamin

Câu hỏi thường gặp khi tìm mua thuốc trị nhức đầu

Mang thai có được uống thuốc đau đầu không? Nên gặp bác sĩ nhất là trong trường hợp cơn đau đầu vượt quá sức chịu đựng, hãy đến bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé.

Trẻ em có thể uống thuốc giảm đau đầu không? Khi trẻ bị đau đầu, có thể cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, không cho trẻ uống thuốc Aspirin hoặc caffeine để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như Aspirin có thể dẫn đến hội chứng Reye. Và không cho trẻ dùng các loại thuốc phòng ngừa đau đầu mà chỉ uống thuốc đau đầu khi có biểu hiện của cơn đau.

Tình trạng đau đầu khi nào cần đến bệnh viện? Tốt nhất người bệnh đến bệnh viện dù đau đầu nhẹ hay nặng, bởi đau đầu có thể là biểu hiện của những bệnh lý thần kinh nguy hiểm như u não, chấn thương sọ não, viêm màng não,.. và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.