Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, gây thành dịch, lây lan qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Đường lây truyền bệnh sởi
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do trẻ lành hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của trẻ bệnh.
Những biểu hiện chính của bệnh
- Biểu hiện chính là sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, phát ban. Trẻ thường sốt cao 3-4 ngày sẽ xuất hiện ban dạng sẩn ( gồ lên mặt da ) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Sau 7-10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là " vằn da hổ". Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Bệnh sởi có nguy hiểm không?
- Phần lớn các trường hợp bé bị nhiễm sởi đều tự hồi phục, tuy nhiên sau khi nhiễm sởi, hệ miễn dịch của bé bị sụt giảm nhiều, bé có nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng kéo dài và ảnh hưởng lên sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Những trường hợp sởi có biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm loét giác mạc, tiêu chảy cấp, viêm màng não, bé cần nhập viện để theo dõi tình trạng trở nặ ng của bệnh.
Chăm sóc bé bị sởi, bạn cần làm gì?
Trẻ cần được cách ly để tránh lây lan cho mọi người. Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho trẻ, người chăm sóc, tiếp xúc gần.
Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh da, mắt, miệng, họng, tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét.
Không sử dụng các chế phẩm có corticoid.
Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng.
Hạ sốt cho bé: lau mát, uống nước nhiều, dùng paracetamol khi sốt cao
Bổ sung Vitamin A liều cao
Cách phòng bệnh cho bé?
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
+ Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi.
+ Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
- Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi.
- Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
BS. HUỲNH TIỂU BÌNH
KHOA NHI, BỆNH VIỆN QUẬN 11