Nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh.
Vị trí hay gặp là đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay.
- Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus aereus). Bình thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi má,rãnh liên mông…hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi. Khi nang lông bị tổn thương kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tiểu đường…vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.
Các nhiễm trùng này tạo thành các nhọt hoặc nhóm nhọt, khi các nhóm nhọt này hoạt động chúng rất dễ lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Nếu không có biện pháp giữ vệ sinh, tiệt trùng cẩn thận thì có thể lây qua người khác khi tiếp xúc da kề da, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân.
- Các yếu tố nguy cơ gây bệnh hậu bối
Tuổi cao, béo phì, tình trạng vệ sinh và sức khỏe tổng thể kém đều có liên quan đến căn bệnh này. Bên cạnh đó một số yếu tố khác bao gồm:
- Tình trạng da mãn tính, gây tổn hại hàng rào bảo vệ của da.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh thận.
- Bệnh gan.
- Bất kỳ tình trạng hoặc điều trị nào làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Biểu hiện của bệnh
Ban đầu là sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ màu trắng hoặc vàng. Sau đó chúng có thể vỡ ra chảy dịch màu trắng hoặc hồng kem. Những nhóm nhọt nghiêm trọng có thể để lại sẹo sâu.
Đau nhức là triệu chứng thường gặp, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi, vành tai. Kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng.
- Biến chứng
- Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở những người suy dinh dưỡng.
- Nhọt ở vùng môi trên, ở má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết.
- Đôi khi, bệnh được gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus (MRSA) kháng methicillin và cần điều trị bằng kháng sinh mạnh theo toa nếu các tổn thương không được dẫn lưu đúng cách.
- Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn từ nhọt có thể xâm nhập vào máu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể như phổi, xương, khớp, tim, máu và hệ thần kinh trung ương.
- Nhiễm trùng huyết được biết đến là một bệnh nhiễm trùng quá mức của cơ thể, đây là một tình trạng cấp cứu y tế và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị. Các triệu chứng bao gồm ớn lạnh, sốt cao, nhịp tim nhanh và cảm giác bị bệnh nặng.
- Điều trị
- Nguyên tắc chính là tránh sờ, bóp hoặc kích thích nhọt, điều này làm tăng nguy cơ biến chứng và sẹo nghiêm trọng.
- Điều quan trọng là phải rửa tay thật kỹ sau khi chạm vào nhọt. Giặt bất kỳ quần áo, khăn trải giường và khăn tắm nào đã chạm vào nhọt và tránh dùng chung giường, quần áo hoặc các vật dụng cá nhân khác.
- Bệnh không tự khỏi nếu điều trị tại nhà bằng cách thay băng thông thường hoặc uống thuốc, mà cần điều trị chuyên sâu. Khi đã có mủ bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử mới khỏi bệnh được.
Do vậy, nếu có nghi ngờ bị bệnh hậu bối, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
BS. Phan Thị Thùy Thao
Khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 11