Đường dây nóng Bệnh Viện: 0932711722 - Sở Y Tế: 0967 77 1010 - Ngành Y Tế: 1900 9095

Bệnh đục thủy tinh thể là gì: dấu hiệu, nguyên nhân, chữa trị

Chủ nhật, 16/06/2024, 12:51:18 Lượt xem: 5196

Thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là dạng thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, đường kính 8 - 10 mm, độ dày khoảng 4mm, bán kính cong của mặt trước 10mm và mặt sau 6 mm.

Thủy tinh thể gồm ba thành phần chính: bao, vỏ và nhân.

Xung quanh thủy tinh thể là một lớp collagen, chính là lớp màng thủy tinh thể, giúp cách ly thủy tinh thể với phần còn lại của mắt.

Thủy tinh thể nằm trong nhãn cầu, ngay sau mống mắt (tròng đen) và ở phía trước dịch kính. 

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bệnh đục thủy tinh thể là bệnh khiến mặt người bệnh bị mờ không còn trong suốt như hồi còn trẻ. Bạn hãy tưởng tượng, tấm gương bị mờ thì ánh sáng khó đi qua, không còn nhìn thấy rõ được nữa do giảm thị lực và nguy cơ mù lòa.

Bệnh đục thủy tinh thể còn gọi là đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể xảy ra do nguyên phát hay thứ phát.

  • Với nguyên nhân nguyên phát gồm: bệnh bẩm sinh liên quan tới rối loạn di truyền, lão hóa tự nhiên của mắt, thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
  • Với nguyên nhân thứ phát: do bị viêm màng bồ đào tái đi tái lại thường xuyên, chấn thương mắt, thường dùng thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe của mắt như thuốc chứa corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, thuốc chống loạn nhịp (amiodarone ), thuốc chống trầm cảm... Ngoài ra, người bệnh bị huyết áp cao, tiểu đường thừa cân béo phì, thường tiếp xúc tia X, tia tử ngoại, ánh sáng tia chợp, tia hàn… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
  • Với các yếu tố nguy cơ khác: mắt thiếu dinh dưỡng, uống nhiều bia rượu, thường căng thẳng, môi trường ô nhiễm...

Đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?

Đục thủy tinh thể, nhất là đục thủy tinh thể ở người già, nếu để lâu ngày dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, gây tăng nhãn áp, vỡ bao, phản ứng viêm màng bồ đào, người bệnh thấy mắt đau dữ dội do không thể điều tiết dịch.

Bệnh kéo dài dẫn đến teo thần kinh mắt, dù mổ cũng khó hồi phục biến chứng để lâu này, nguy cơ mù lòa. Nguy hiểm nữa, thủy tinh thể bị đục lâu ngày trở nên cứng hơn, dẫn tới viêm, mắt thoái hóa, đồng tử dính lại, rất khó khăn khi phẫu thuật.

Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Có, phẫu thuật là phương pháp chính, điều trị hiệu quả bệnh đục thủy tinh thể. Phẫu thuật khá an toàn, ví dụ với phương pháp mổ PHACO với nhiều ưu điểm như: vết mổ nhỏ, thời gian phẫu thuật rất nhanh, xuất viện trong ngày, thị lực của người bệnh phục hồi rất nhanh chóng, hầu như không chảy máu, không đau hoặc đau rất ít. Sau mổ, người bệnh có thể cải thiện thị lực và sinh hoạt bình thường, có thể di chuyển, lái xe, đọc sách, xem tivi…

Dấu hiệu đục thủy tinh thể

Bệnh giai đoạn đầu thường không có triệu chứng.

Các dấu hiệu sau khi bệnh thường nặng, có thể xuất hiện ở một hay cả hai bên mắt.

  • Giảm thị lực như mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn, hay mỏi mắt khi tập chung nhìn vào một vật là triệu chứng điển hình.
  • Hay lóa mắt, khó nhìn khi ở ngoài sáng hơn so với nơi có bóng râm do đồng tử co lại khi có ánh sáng.
  • Nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật, ví dụ ngắm trăng sẽ thấy hai ánh trăng.
  • Nhìn mờ như có màn sương che trước mắt

Khám, mổ bệnh đục thủy tinh thể ở đâu tốt?

Mỗi năm, Bệnh viện Quận 11 đã khám, phẫu thuật cho hàng trăm trường hợp bị bệnh đục thủy tinh thể lấy lại đôi mắt sáng, giúp sinh hoạt bình thường trở lại.

Nhiều người bệnh đã đọc sách, đi chợ, may vá, thêu thùa… thuận lợi, không còn phụ thuộc con cháu.

Mổ đục thủy tinh thể bao nhiêu tiền?

Tùy phân loại đục thủy tinh thể, sức khỏe người bệnh, vật tư tiêu hao sử dụng cho từng ca bệnh, chế độ bảo hiểm y tế mà giá mổ đục thủy tinh thể khác nhau. Nhưng với bệnh viện quận 11 có thể nói rẻ nhất hiện nay và độ an toàn luôn đặt tiêu chí hàng đầu của ngành y tế.

Phân loại bệnh đục thủy tinh thể

  • Đục thủy tinh thể tuổi già: thường trên 50 tuổi, do quá trình lão hóa.
  • Đục thủy tinh thể do bệnh lý: người bệnh bị tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì...
  • Đục thủy tinh thể do chấn thương: mắt bị chấn thương có thể gây đục thủy tinh thể ngay hoặc diễn biến sau nhiều năm.
  • Đục thủy tinh thể do bẩm sinh: trẻ mới sinh đã bị bệnh, có thể do rối loạn di truyền hay có mẹ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai...

Chăm sóc sau mổ đục thủy tinh thể

  • Người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau nhưng sớm khỏi sau vài ngày như mắt đỏ nhẹ, hơi cộm, chảy nước mắt,…
  • Nếu mắt đau nhức, đỏ mắt nhiều, nhìn mờ hoặc thấy chớp sáng hay cảm giác có ruồi muỗi bay trước mắt thì nhập viện ngay.
  • Ngoài ra, người bệnh giữ gìn vệ sinh mắt, vệ sinh tay, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, đậy nắp thuốc ngay sau khi dùng, không cho xà phòng vào mắt, tốt nhất không nên gội đầu vào thời gian này, có thể tắm dưới cổ, sau 1 tuần có thể tắm dưới vòi hoa sen, không bơi trong 1 tháng.
  • Ăn thức ăn mềm, tránh nhau mạnh, nhai nhiều, không dụi mắt, gãi mắt, dùng kính, băng mắt khi ngủ.
  • Không cúi đầu nhiều hay mang vác nặng.